HFVN – Một trong những lợi ích lớn nhất khi làm việc trong ngành hi-fi đó chính là có cơ hội được gặp những con người tài năng và thú vị – những nhà thiết kế thiết kế ra các sản phẩm mang đến “sự thỏa mãn âm nhạc’ cho công chúng yêu nhạc. Thông thường, các thương hiệu audio lớn trong thường mang đậm dấu ấn, tầm nhìn và tính cách của một cá nhân nào đó. Một ví dụ cụ thể, hãy nhìn vào mọi linh kiện, sản phẩm của Ayre Acoustics, bạn sẽ nhận ra ngay đây là sản phẩm của Charles Hansen – người sáng lập ra Avalon, và hiện thời là chủ tịch Ayre Acoustics.
Không giống như nhiều nhà thiết kế thiết bị điện tử của các hãng khác có nền tảng là kỹ thuật điện tử; ông Charlie (tên thân mật của Charles Hansen) chỉ học chuyên ngành Vật lý. Từ cuộc trò chuyện đầu tiên, tôi đã hết sức kinh ngạc bởi sự chia sẻ thẳng thắn cũng như cách tiếp cận và các triết lý liên quan đến âm thanh của ông. Nếu ông nghe cái nào đó thấy hay, ông sẽ chọn nó bất chấp lối suy xét, đo lường tính toán thông thường cho kết quả như thế nào. Những thiết kế của ông thường có bộ nguồn độc nhất vô nhị, mạch cân bằng toàn phần với thiết kế dạng rời dễ sử dụng, và không hồi tiếp âm (zero feedback). Lần đầu tôi biết ông Charlie là sau khi “dính” vào âmli công suất Dreadnaught của Theta, chính ông Charlie đã hoàn thành công việc thiết kế cơ bản và tôi đã sử dụng để tham khảo trong hai năm ròng. Bên cạnh những pre âmli và âmli được đánh giá cao của Ayre Acoustics, đầu phát Ayre D-1x là một trong những đầu phát CD / DVD player tốt nhất tôi đã từng nghe.
Chúng tôi bắt đầu cuộc phỏng vấn với Charles Hansen này bằng câu hỏi: Charlie, làm thế nào ông lại yêu thích niềm đam mê chung mà chúng ta gọi là “hi-fi” …
Charlie: Tôi bắt đầu biết đến và quanh quẩn các bộ dàn hi-fi cũng là khi tôi bắt đầu hình thành nhận thức. Cha tôi là một người yêu âm nhạc thực thụ, ông sở hữu những thiết bị điện tử của Dyna electronics từ những năm 60. Từ nhỏ, tôi đã hoàn toàn say mê bởi những hệ thống này, nhưng lúc đó ông không cho tôi chạm vào bởi tôi chỉ mới 6 tuổi! Tuy nhiên, ông đã dành cho bọn trẻ một hệ thống cũ khác của ông; nó bao gồm một âm li tích hợp của Eico và chỉ có thể phát mono mà thôi.
Lúc lên cấp 2, tôi đã giành lấy con Eico và hàng ngày mày mò nó. Thậm chí tôi còn không đến lớp mà đi lòng vòng trong thư viện trường, đọc những cuốn sách như “Các yếu tố vô tuyến” của Abraham Marcus và William Marcus. Nếu bạn vẫn có thể tìm thấy thì đây quả là 1 cuốn sách nhập môn tuyệt vời. Đó là lý do khi tôi bắt đầu học cấp 3, tôi đã đến làm việc ở bộ phận sửa chữa 1 cửa hàng thiết bị âm thanh trong vùng.Tôi còn quá nhỏ để lái xe nên phải đi nhờ xe đến đó. Hồi đầu, cửa hàng có McIntosh và JBL, và khi hi-end ra đời chúng tôi có Magneplanar, Linn và Levinson. Nhóm chúng tôi thực sự đã được đưa đến chân trời mới khi chứng kiến những dòng thiết bị hi-end biểu diễn. Chúng tôi đã dành rất nhiều thời gian nghe nhạc và tự lên các lên các kế họach cho tương lai. (Tommy Thompson và Charles Roe, nếu 2 anh bạn ở đâu đó có nghe thấy thì hú 1 tiếng nhé!)
Phóng viên: Sau đó, ông đã học chuyên ngành vật lý ở trường đại học ư?
Charlie: Học vật lý là 1 chuyện tốt và cũng là 1 chuyện xấu. Một mặt, tôi học được những nguyên tắc cơ bản về sự vật và làm thế nào để phân tích chúng chính xác. Mặt khác, chúng tôi không thực sự biết nhiều về cách vũ trụ họat động. Chúng tôi có phương trình mô tả lực hấp dẫn, và có thể dự đoán được chuyển động của các vật thể với độ chính xác, xác suất đáng kinh ngạc, nhưng không ai biết lực hấp dẫn thực sự là gì hoặc thực sự tác động ra làm sao. Ở khoa Vật lí, rất dễ dàng bị nhiễm thói kiêu ngạo kiểu thông thái và đó có thể là một trở ngại thực sự khi nói về sự am hiểu các thiết bị hi-fi. Ví dụ, tôi tự hỏi không biết nhiều giáo sư Vật lý có chấp nhận sự thật rằng cáp tín hiệu có tác động đến chất lượng âm thanh hay không!
Phóng viên: Làm thế nào từ vật lý ông đã trở về với thế giới audio?
Charlie: Sau khi tốt nghiệp, tôi đã phát triển một số lý thuyết có vẻ đơn giản về cách xử lý củ loa, sau đó đã tạo ra một bước đột phá trong khả năng đạt được độ trong suốt và không bị méo âm từ dải cao đến dải thấp. Tôi thành lập thương hiệu Avalon Acoustics cùng với một người bạn thợ mộc – Bob Grupp. Chúng tôi không biết nhiều về điều hành kinh doanh nhưng may mắn khi còn có một số nhân sự chủ chốt khác giúp công ty tồn tại, trong đó có Richard Broida, Jeff Rowland, và cuối cùng là Neil Patel. Tôi đã học được rất nhiều về các phương pháp, cách thức thẩm âm và thậm chí là cả thiết kế từ Neil, những kiến thức này vô cùng hữu ích đối với tôi khi bắt đầu vai trò mới: thiết kế điện tử tại Ayre.
Phóng viên: Làm thế nào mà Ayre Acoustics ra đời?
Charlie: Tôi bắt đầu công việc tạo nên Ayre Acoustics cùng với một vài người bạn: Peter Bohacek và Katie Lehr vào năm 1993. Mục tiêu của của chúng tôi khi ấy là tái hiện điều kỳ diệu mà chúng tôi đã thực hiện được ở Avalon nhưng với 1 mức giá hợp lý hơn. Sẽ thật tuyệt vời khi dàn máy của bạn trình diễn như “biết hát” thực sự và bạn chơi nó cho những người khác cùng nghe. Lúc này, cho dù là đó những tay đam mê âm thanh hay không biết gì cả thường sẽ có phản ứng: “Ồ, tôi không nghĩ 1 hệ thống âm thanh có thể nghe hay như thế! Tôi có thể nghe thấy chất âm nhạc nhiều và nhiều hơn nữa!”. Sau đó đôi khi họ sẽ hỏi giá bao nhiêu vậy, bạn cho họ biết giá, và rồi họ bảo “Chà, thưởng thức thì tuyệt vời đấy nhưng tôi không có khả năng mua.”
Tuy rất tuyệt vời khi có thể tạo nên 1 sản phẩm nào đó trên cả tuyệt vời; trong quá trình này, bạn sẽ học hỏi được rất nhiều thế nhưng lại chỉ có một vài người may mắn có thể mua và tận hưởng chúng. Đó là lý do chúng tôi tiếp tục tạo ra những sản phẩm chất lượng nhưng đồng thời cũng tiếp tục tìm cách làm sao để sản phẩm ấy ít tốn kém hơn. Tôi thực sự muốn mở rộng đối tượng thính giả và mang đến một trải nghiệm âm nhạc ở 1 tầm cao khác cho nhiều người hơn.
Phóng viên: Ông đã đúc kết được những gì từ các sản phẩm vượt trội mà ông đã thiết kế, nó có được ứng dụng cho các sản phẩm có giá cả phải chăng hơn?
Charlie: Chúng tôi đã học được rất nhiều làm sao để đạt được âm thanh thực sự có chất nhạc hầu như với bất kỳ thể loại nhạc nào. Có rất nhiều thiết bị có thể tỏa sáng với một loại âm nhạc cụ thể nào đó, nhưng khi kết hợp với 1 loại khác thì kết quả hoàn toàn ngược lại. Ví dụ, quả là khó khăn để đánh bại các thiết kế đèn chân không 3 cực Single-end khi thử với dàn nhạc thính phòng hay tứ tấu đàn dây. Nhưng nếu chơi nhạc rock sôi động thì mạch single-end lại có chất âm có vẻ như trơ lì chẳng có chút sự sống. Một số thiết bị nghe tuyệt vời với bản ghi âm chất lượng cao, nhưng thực sự khó nghe với bản trung bình. Một số thiết bị làm mọi thứ nghe hay hơn bởi vì âm thanh được nó tô điểm và trở nên ngọt ngào.
Với thiết bị của Ayre, khi bạn đưa vào một bản recording tuyệt vời, tất nhiên âm thanh sẽ tuyệt vời. Nhưng ngay cả khi bạn đưa vào một bản thu trung bình, bạn sẽ phải thốt lên: “Không phải tất cả đều tuyệt vời nhưng giai điệu cất lên thật đẹp làm sao!” Khi đó, các sự ảnh hưởng từ các thiết bị thật sự không còn tồn tại nữa. Năm nay chúng tôi giới thiệu một loạt các sản phẩm mới với những bước đột phá thực sự. Ở dòng sản phẩm hai kênh, chúng tôi có ampli tích hợp AX-7e và đầu phát CD CX-7eMP. Chúng đều tuyệt vời và sẽ vẫn giữ được giá trị thật dù ở bất cứ mức giá nào. Khi bạn cảm được việc thưởng thức âm nhạc không giới hạn, thóat ly hoàn toàn khỏi các hệ thống phối ghép đó chính là điều tuyệt vời hơn bao giờ hết.
Phóng viên: Cho tôi biết một chút về triết lý thiết kế của ông. Nhiều nhà thiết kế cho rằng thiết kế mạch sử dụng hồi tiếp toàn phần sẽ rất có lợi, nhưng sản phẩm của ông lại hoàn toàn không hồi tiếp. Tại sao lại như vậy?
Charlie: Theo kinh nghiệm của tôi, những âm thanh tự nhiên nhất đều đến từ các mạch không hồi tiếp. Hồi tiếp âm do ông Harold Black phát minh trong những năm 1920 cho công ty điện thoại. Nó sử dụng các bộ khuếch đại lặp lại chạy dọc theo đường dây điện thoại, làm tăng tín hiệu để bù đắp cho những tổn thất trong các dây dẫn dài. Điều tối quan trọng trong phương pháp này là xác định được gain matching chính xác giữa các bộ khuếch đại này, mặc khác theo điều kiện kỹ thuật thời đó, việc điều chỉnh gain sẽ được thực hiện bằng đèn điện tử do đó rất khó đạt được giá trị chính xác. Tuy nhiên, bằng cách áp dụng hồi tiếp cho các mạch khuếch đại, gain bây giờ được thiết lập bằng các giá trị điện trở và hoàn toàn không phụ thuộc vào sự biến thiên của đèn điện tử, kết quả là bài toán về gain matching đã có lời giải. Đây cũng chính là lý do thực tế vì sao hồi tiếp âm được phát triển.
Mạch hồi tiếp cũng cải thiện các đặc tính đo lường của mạch khuếch đại bằng cách tăng băng thông, giảm sự biến dạng (ít nhất là cho tín hiệu ổn định), và giảm kháng trở đầu ra; chính nhờ những ưu điểm này, mạch hồi tiếp đã trở nên phổ biến trong các thiết kế mạch âm thanh. Trong nhiều thập kỷ, người ta cho rằng có sự tương quan trực tiếp giữa kết quả đo lường và chất lượng âm thanh. Nhưng thực tế về mạch hồi tiếp có những yếu tố vô hình khó có thể tính toán mà dường như nó lại ảnh hưởng không tốt đến chất lượng âm thanh của các nhạc cụ thật. Có vẻ như nó có liên quan đến các vấn đề thời gian.
Phóng viên: Các vấn đề thời gian à? Ông có thể nói rõ thêm không?
Charlie: Vâng, nghĩ đơn giản nhất thì mạch hồi tiếp không thể giải quyết vấn đề nào đó cho đến khi vấn đề đó phát sinh. Và điều này có liên quan kha khá đến những gì chúng ta nghe. So với một thiết kế không hồi tiếp, bổ sung mạch hồi tiếp có vẻ cường điệu hóa nguồn tín hiệu. Nó có thể cho ta âm thanh “hoành tráng” xét theo khả năng thưởng thức hi-fi, nhưng thật ra chất âm nhạc tự nhiên lại ít hơn so với thiết kế không hồi tiếp. Và dường như âm thanh tuyệt vời nhất này cũng tồn tại dưới nhiều điều kiện nhất định. Mặt khác, một thiết kế không hồi tiếp xét theo quan điểm âm thanh thì rất giống “con tắc kè bông”. Theo kinh nghiệm bản thân, các mẫu thiết kế không hồi tiếp sẽ “thoát khỏi lối mòn” của các thiết bị âm thanh chỉ có thể chơi tốt một vài thể loại âm nhạc. Và với thiết kế của chúng tôi thì không có bất kỳ lý do gì phải sử dụng mạch hồi tiếp. Đơn cử bộ ampli công suất Ayre V-5xe có băng thông khoảng 200KHz , độ méo khoảng 0,1 % ở mức 100 watt, và trở kháng đầu ra khoảng 0,2 ohms. Với thiết kế không hồi tiếp thì các thông số này là quá hoàn hảo. Thực sự không có lý do gì để sử dụng hồi tiếp khi chúng ta có thể đạt được thông số như vậy mà không cần có nó.
Phóng viên: Ông cũng sử dụng mạch thuật toán rời rạc bất cứ nơi nào có thể trong các sản phẩm. Ông có vui lòng cho biết thêm về điều này?
Charlie: Sử dụng mạch thuật toán rời rạc so với mạch tích hợp cũng giống như làm một cái bánh từ đầu so với làm cái bánh bằng cách trộn lại. Rõ ràng sẽ dễ dàng và rẻ hơn để làm cho một chiếc bánh bằng cách pha trộn từ hỗn hợp nào đó, và bạn cũng không cần phải biết nhiều về nấu ăn để thực hiện nó. Điều này cũng tương tự với các mạch âm thanh. Mạch thuật toán rời rạc cho ta cơ hội lớn hơn để sử dụng các linh kiện chất lượng cao nhất, trong bất kỳ cấu hình có thể tưởng tượng nào và có thể điều chỉnh các thông số để đạt được hiệu quả cao nhất cho 1 mục đích cụ thể. Đây là cách duy nhất nếu bạn muốn cho ra đời 1 sản phẩm xuất sắc, hiện đại đích thực.
Phóng viên: Làm thế nào ông có thể đạt được chất lượng âm thanh mong muốn như thế trong các âm-li tích hợp AX-7e và CD player CX-7eMP mà không có sự hỗ trợ của mạch thuật toán rời rạc?
Charlie: Ở các sản phẩm này, chúng tôi đang sử dụng IC (mạch tích hợp) do tiến sĩ Barrie Gilbert – một trong những “bố già” của thiết kế mạch analog thiết kế. Bây giờ, bạn cần phân biệt giữa các thuật ngữ “mạch tích hợp” (integrated circuit – IC) và “op-amp” (mạch khuếch đại thuật tóan). Chúng tôi đang sử dụng mạch tích hợp, bao gồm nhiều transistor trên một đế silicon đơn.Trái lại, op-amp sử dụng mạch hồi tiếp như nguyên tắc hoạt động cơ bản của nó. Bạn không thể sử dụng một op-amp trong các mạch không hồi tiếp. Các cấu trúc liên kết của mạch tích hợp mà chúng tôi sử dụng trong các sản phẩm dòng nhập môn (Series 7) rất giống với cấu trúc liên kết của mạch thuật toán rời rạc dù thực tế đó vẫn là mạch tích hợp. Ở Ayre Acoustics, chúng tôi đã tìm ra cách thực hiện các mạch tích hợp nguyên khối với mạch không hồi tiếp. Bằng kết hợp sử dụng 2 yếu tố này kèm theo một chút biến đổi, chúng ta có thể đạt gần được đặc tính họat động của mạch thuật toán rời rạc với mức chi phí thấp hơn nhiều. Lợi thế quan trọng của thiết kế nguyên khối của các mạch tích hợp là tất cả các transistor được kết hợp rất chặt chẽ với nhau. Ngược lại, với các mạch thuật toán rời rạc, chúng tôi phải dành rất nhiều thời gian để tính toán, phân loại và tìm kiếm các transistor phù hợp (có giá trị biến thiên xấp xỉ nhau), điều đó cũng có nghĩa là sản phẩm cuối cùng sẽ đắt tiền hơn. Bằng cách sử dụng mạch tích hợp với cách trước giờ chưa từng sử dụng, chúng tôi có thể đạt được 1 bước đột phá hiệu suất ở điểm giá thực. Khi giới hạn duy nhất chính là trí tưởng tượng của bạn thì chỉ còn một con đường để tồn tại đó chính là dốc toàn lực cho việc phát triển kỹ thuật. Tuy nhiên, chỉ nghiên cứu kỹ thuật là chưa đủ, thách thức thực sự chính là mang những bài học đó trở về với thế giới thực nơi có nhiều người có thể thưởng thức thành quả lao động của chúng tôi hơn.
Phóng viên: Tôi thấy dạo này ngày càng có nhiều sản phẩm có công nghệ bộ nguồn của ông kết hợp mạch lọc dạng quy nạp. Nó cải thiện chất lượng âm thanh như thế nào?
Charlie: Hmm, trước hết bạn nên nhớ rằng có 2 cách khác nhau để sử dụng mạch lọc dạng quy nạp (filter inductor) trong một bộ nguồn. Cách thứ nhất là bố trí mạch phía trước các tụ lọc ngay sau khi chỉnh lưu. Cách thứ hai là bố trí sau tụ lọc. Phương pháp đầu tiên được gọi là “inductor-input filter” hay “choke-input filter” (nhấn mạnh ” input”). Phương pháp thứ hai được gọi là “choke filtering” hoặc lọc cảm kháng. Nếu bạn nhìn kỹ vào các quảng cáo, bạn sẽ thấy rằng hầu hết các công ty chào bán choke thực sự đang sử dụng “choke filtering”, như vậy ít tốn kém hơn là ” choke-input filtering”. Cả 2 phương pháp này sẽ làm giảm tiếng nhiễu ồn tần số cao vào dòng AC, đó là một điều tốt xét trên quan điểm chất âm thanh. Nhưng chỉ có cách lọc cảm kháng ngay từ ngõ vào (inductor-input filter) mới tạo ra dòng điện nạp liên tục đến tụ lọc bởi năng lượng được lưu trữ trong từ trường của cuộn cảm luôn được nạp vào các tụ điện. Bất kỳ phương pháp nào khác đều tạo ra xung ở dòng điện nạp vào. Do đó, thiết kế inductor-input filter luôn cung cấp nguồn DC tinh khiết hơn 1 nguồn cung cấp tiêu chuẩn, kết quả sau cùng là cải thiện chất lượng âm thanh. Vấn đề ở chỗ chi phí cho bộ nguồn sẽ tăng gần gấp đôi. Nhưng theo tôi, đây là một đầu tư xứng đáng.
Khi bắt đầu làm dòng sản phẩm mới, chúng tôi biết chắc ngay từ đầu rằng sẽ không có một hãng cung cấp nào tên thị trường sử dụng mạch lọc cảm kháng đúng nghĩa. Chính vì vậy, chúng tôi quyết định phát triển mạch mới có thể miễn nhiễm bất kỳ tiếng ồn nào gây ra từ bộ nguồn. Kết quả chúng tôi cho ra đời mạch dòng đối xứng (current-mirror). Mạch này khoảng loại bỏ nhiễu ồn tốt hơn 1000 lần cho các bộ nguồn sử dụng.
Phóng viên: Ông có sử dụng bất kỳ kỹ thuật nào khác để giải quyết vấn đề tiếng ồn trên dòng AC?
Charlie: Vâng, có 1 yếu tố cực kỳ quan trọng để đạt được kết quả tốt nhất; Chúng tôi đã từng sử dụng bộ lọc lõi ferrit để làm sạch nguồn AC. Những bộ lọc này thực sự họat động rất tốt bởi vì chúng không chặn năng lượng RF hoặc dẫn nó xuống mặt đất (thực sự rất khó có thể thực hiện điều này một cách hiệu quả). Thay vào đó, chúng hấp thụ năng lượng RF và biến nó thành nhiệt. Kết quả cho ta nền trong hơn, giảm ồn, giảm nhiễu và tần số cao ngọt ngào hơn. Nhưng thật không may, các bộ lọc ferrit sẽ bị từ hóa theo thời gian. Tôi không hiểu đầy đủ các cơ chế liên quan, nhưng bạn có thể dễ dàng nghe thấy hiệu ứng âm thanh dần trở nên cứng ngắt, vô hồn. Nếu bạn khử từ ferit, âm thanh sẽ tốt trở lại nhưng chỉ trong một vài ngày. Sau đó, nó lại tiếp tục bị từ hóa một lần nữa. Để giải quyết vấn đề này, chúng tôi đã phát triển một bộ lọc gọi điện là Ayre Conditioner, nó hấp thụ năng lượng RF giống như ferit nhưng hoàn toàn không bị nhiễm từ tính. Ngoài ra, nó hoạt động song song với dòng AC vì vậy không có hạn chế dòng gì. Thông thường khi sử dụng lọc điện với các thiết bị âm thanh luôn là sự đánh đổi: Một số yếu tố (như độ trong của tiếng treble) cải thiện trong khi những yếu tố khác (thường là độ sâu và độ lực của tiếng bass) trở nên tệ hơn. Chúng tôi nhận ra rằng Ayre Conditioner là bộ lọc duy nhất không yêu cầu hệ thống của bạn đánh đổi bất cứ thứ gì.
Phóng viên: Chuyền sang đề tài khác, chúng ta hãy nói về âm thanh kỹ thuật số. Công nghệ “Upsampling” trong một số ngành công nghiệp được xem như là “Viên đạn ma thuật – Magic bullet” để cải thiện khả năng thể hiện toàn bộ bộ sưu tập CD hiện có. Ông nghĩ như thế nào về điều này?
Charlie: Trước hết, “upsampling” là một thuật ngữ marketing, không phải là một thuật ngữ kỹ thuật. Từ một quan điểm kỹ thuật, hoàn toàn không có sự khác biệt giữa upsampling và oversampling. 30 năm trước đây, mốt marketing gọi đó là độ méo thấp. Bây giờ thì họ gọi đó là upsampling. Khi các nhà sản xuất nói về upsampling, họ đang đề cập đến một thực tế rằng có hai bộ lọc kỹ thuật số hoạt động riêng biệt được sử dụng. Nếu thay đổi bất cứ điều gì trên bộ lọc này, hiển nhiên bộ lọc kỹ thuật số còn lại cũng sẽ có những thay đổi tương ứng. Tuy nhiên, kết quả thu được hoàn toàn không có gì thay đổi, bạn có thể đạt được những kết quả giống hệt như vậy bằng cách sử dụng 1 bộ lọc kỹ thuật số có các đặc điểm kết hợp của bộ lọc upsampling và bộ lọc số hiện tại.
Nói cách khác, từ quan điểm kỹ thuật, hoàn toàn không có gì mới về upsampling. Ngay cả ý tưởng về bộ lọc kỹ thuật số đa tầng cũng khá là cổ lỗ sỉ, hầu như tất cả các bộ lọc số đều thuộc dạng 2x. Ví dụ, 1 bộ lọc nội suy 8x (oversampling) sẽ bao gồm 3 tầng 2x (2 x 2 x 2 = 8) đạt được tốc độ tổng thể 8x. Có 1 số “upsampler” không được thực hiện ngay trong máy mà từ các thiết bị bên ngoài. Trong trường hợp này, bạn nên nhớ rằng hệ thống của bạn sẽ bị tác động đáng kể từ rung chấn và làm âm thanh bị thay đổi.
Cũng không nên hiểu rằng upsampling sẽ khiến âm thanh không hay. Ngược lại, cải thiện bộ lọc kỹ thuật số cũng có thể cải thiện chất lượng âm thanh. Tóm lại, bạn nên mua một thiết bị vì chất lượng thực sự tốt của nó, không nên để bị chi phối bởi các câu chuyện marketing xung quanh.
Phóng viên: Một số người phân biệt “upsampling” và “oversampling” dựa trên việc sản phẩm nội suy độ dài word length cũng như tỷ lệ mẫu nghĩa là chuyển đổi tín hiệu 16 bit thành 24 bit .
Charlie: Điều đó chẳng có ý nghĩa gì cả. Tất cả các bộ lọc số làm việc bằng cách nhân dữ liệu theo hệ số. Cách mà bạn chuyển từ 1 cụm 16 bit thành 24 bit đơn giản là nhân nó với hệ số 8 bit. Thông thường, các hệ số dài hơn 8 bit nhiều. Ví dụ, nếu bạn nhân dữ liệu 16 bit với hệ số 24 bit, bạn sẽ đạt một cụm 40 bit. Sau đó nó phải được làm tròn (hoặc cắt ngắn) để trở lại dữ liệu 24 bit tại đầu ra của bộ lọc số. Bất kỳ bộ lọc số hiện giờ sẽ “nội suy” dữ liệu đầu vào 16 bit thành 24 bit tại đầu ra. Nhưng dù bạn làm gì đi nữa, khi bạn bắt đầu với dữ liệu 16 bit , bạn sẽ chỉ có 16 bit chính xác ở đầu ra. Thậm chí nếu bạn nhân với hệ số 1000 bit, việc tăng độ phân giải thực tế của tín hiệu ban đầu là chuyện không thể.
Phóng viên: Charlie, Ayre D-1x là một trong những đầu phát CD player hay nhất mà tôi từng nghe. Ngoài D- 1x, ông đã giới thiệu CD player mới CX- 7eMP tại thời điểm mà nhiều công ty hi-end khác đang vật lộn để phát hành chuẩn DVD-A và các đầu phát SACD player. Tại sao vậy?
Charlie: Trước hết, cảm ơn vì những lời ngợi khen đầu phát Ayre D-1x. Chúng tôi đã dành hơn 2 năm ròng cho dự án này, và thật sự rất hài lòng với cách nó được chế tạo ra. Việc sản phẩm kỹ thuật số đầu tiên của chúng tôi được đón nhận đã giúp chúng tôi nhận được rất nhiều tín nhiệm trong ngành này.
Như bạn đề cập, CX-7eMP là sản phẩm kỹ thuật số thứ hai của chúng tôi sau D-1x. Chúng tôi chọn làm đầu phát CD chỉ hỗ trợ định dạng CD, đơn giản bởi vì đó là lựa chọn giá trung bình mà hiệu quả cao nhất để thưởng thức âm nhạc. Tại thời điểm này, bổ sung hỗ trợ SACD hay DVD-Audio làm tăng chi phí máy. Với giới hạn về số lượng phần mềm (đĩa SACD, DVD-A), trả thêm hàng ngàn đô la để có thể chơi thêm một số ít các tựa nhạc, hầu hết mọi người đều thấy điều đó thật vô lý. Không may thay, các nhà sản xuất phần mềm phải đối mặt với tình hình kinh tế có chiều hướng xấu hiện nay, tình trạng này không thay đổi sớm được. Thành thật mà nói, tôi lo ngại khả năng tồn tại của các định dạng mới này. Chúng tôi vẫn đang xem xét khả năng tạo ra 1 đầu phát đa định dạng nhưng ít nhất phải chờ đến khi có thể tạo ra 1 cái gì đó cho ra hồn (ít nhất là phải đạt mức độ nhất định nào đó), chúng ta phải kiên nhẫn đợi thôi.
Phóng viên: Nhưng ngay cả DVD-A hoặc SACD tồn tại như một định dạng thích hợp, chẳng phải các nhà sản xuất thiết bị hi-end audio như Ayre Acoustics không phải là nơi thích hợp cho chúng sao? Nói cách khác, không phải là khách hàng của ông sẽ là những người đang và sẽ tìm kiếm player có độ phân giải cao hay sao?
Charlie: Vâng, bạn nên nhớ Ayre vốn đã đi tiên phong trong các công nghệ mới này từ đầu và là một trong những công ty hi-end đầu tiên cho ra đời DVD player. Và thành thật mà nói, chúng tôi đã nghĩ là sẽ có lũ lượt các công ty khác theo chân mình nhưng điều đó đơn giản vẫn chưa xảy ra. Chỉ có một số ít các công ty hi-end có DVD player, và một số trong họ đã bị loại khỏi cuộc chơi. Thực tế là vô cùng khó khăn để thực hiện các công nghệ này một cách hữu hiệu và có ý nghĩa. Giống như người ta vẫn thường nói “Nếu dễ dàng thì ai ai cũng làm được rồi!”
Như thế này nhé, khách hàng của chúng tôi thích mua máy nghe nhạc “đa định dạng” cới chất lượng âm thanh tuyệt vời, nhìn bắt mắt có giá 5.000 USD. Nhưng khi họ phát hiện ra nếu chiếc đầu phát 5000 $ đó cũng hay như con CD player chỉ 2000 $, họ sẽ không còn chắc chắn thực sự mình muốn cái nào. Đồng thời, họ sợ chi 1 số tiền đáng kể cho máy nghe nhạc mà không thể chơi tất cả các định dạng được-gọi-là-mới (Tôi nói “được gọi là” vì đối với riêng tôi, không có gì chắc là vài chục hoặc thậm chí vài trăm tựa đĩa thực sự có thể tạo thành một định dạng.)
Họ lo sợ nếu sản phẩm mới đắt tiền như thế lại không chơi được tất cả các “định dạng” mới thì họ sẽ gặp rắc rối to! Một phần lớn của vấn đề nằm ở cách thức báo chí đã hô hào về những “định dạng” mới. Họ đã tạo ra những kỳ vọng hoàn toàn sai trong tâm trí của người tiêu dùng, thổi phồng quảng cáo về các máy nghe nhạc “đa định dạng” và làm thế nào giải quyết tất cả vấn đề của người tiêu dùng. Ví dụ, mỗi khi con chip DAC đa kênh mới được phát hành là có một số bài báo hùng hồn tuyên bố sắp sửa có những máy nghe nhạc “đa định dạng” ra lò. Điều này là hoàn toàn sai lầm. Giống như câu nói “Tôi có thể có được một bộ chế hòa khí mới từ JC Whitney, vì vậy sẽ rất dễ dàng để làm ra 1 chiếc xe mới từ con số không.”
Bây giờ, nếu bạn muốn chế tạo 1 máy nghe nhạc đa định dạng thực sự, bạn phải có khả năng xử lý âm thanh đa kênh. Và tôi chưa thấy một bài viết nào về âm thanh đa kênh chỉ ra vấn đề số lượng so với chất lượng 1 cách rõ ràng cả. Trong dàn máy cá nhân của tôi, tôi có setup rất thú vị. Speaker có giá $ 8.000 1 cặp, âm-li khoảng $ 4,000, preamp khoảng $ 8000, và cuối cùng là digital phía trước khoảng 8000 $ hoặc hơn. Thêm $ 6,000 chi phí cáp, tổng cộng lại hơn $ 30.000. Âm thanh tuyệt vời và tôi rất thích mở nó để nghe nhạc. Giờ nếu muốn đi đa kênh thì tôi sẽ có hai lựa chọn. Một là tôi có thể bán tất cả mọi thứ và dành một khoản tiền tương đương trên một hệ thống đa kênh, hoặc hai là tôi có thể thêm gì vào hệ thống hiện tại. Vâng, giả định rằng tôi muốn duy trì hiệu suất như nhau, lựa chọn thứ hai thì quả là phi lý. Ngay lập tức, chúng tôi tìm kiếm 1 dàn $ 30.000 gồm âm-li, loa, và dây cáp. Và đối với thiết bị đa kênh, không có bất cứ cái nào có thể đạt được hiệu suất như pre-amp và máy nghe nhạc của tôi được, bất kể giá cả. Và thậm chí giả định rằng nhà tôi có đủ chỗ cho tất cả các thiết bị đó trong khi sự thật là không!
Sự lựa chọn khác là sẽ downgrade (hạ cấp xuống) mà vẫn giữ toàn bộ đầu tư. Có ai có thể nhìn vào mắt tôi, nghiêm túc nói với tôi rằng “Tôi sẽ hạnh phúc nếu đổi 2 loa $ 4000 thành 6 loa $ 1200?” Tôi không nghĩ vậy đâu. Tôi nhớ hồi tôi có loa giá $ 1200, thẳng thắn mà nói tôi rất muốn nâng cấp loa của mình lên thì huống chi là hạ xuống. Vẫn không rõ ràng liệu định dạng có tồn tại không. Một số người nói rằng chúng đã “chết”.
Nếu không có hàng ngàn, hoặc tốt hơn là hàng chục ngàn tựa đĩa, tôi không nghĩ bạn thực sự có nhiều. Vấn đề là không thực sự có bất kỳ khuyến khích nào cho các công ty phần mềm làm tựa đĩa mới. Vì vậy như tôi đã nói, chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi và chở đợi; Một khi chúng tôi có thể chế tạo một cái gì đó có ý nghĩa, chúng tôi sẽ làm. Nhưng giữa các phương hướng thì phần lớn Nhật Bản đang đi theo những định dạng mới với sự mong đợi được tạo ra bởi báo chí, chúng tôi – những nhà sản xuất có việc để làm được vạch ra trước rồi đấy. Nhưng, hey, đó là công việc của chúng tôi vì vậy tôi không thể phàn nàn quá nhiều! Bên cạnh đó, hiện nay tôi đã có ý tưởng cho máy nghe nhạc mới…
Charlie, cám ơn ông đã dành thời gian cho buổi trò chuyện. Tôi nghĩ các độc giả có nhiều điều thú vị để suy ngẫm rồi đấy!
Nguồn: Audio Perfectionist Journal
Dịch: Minh Châu – Hifivietnam.vn